Ví dụ đang ngồi, điện cúp. Người có năng lực sẽ đi xem xét coi có gì không ổn trong hệ thống điện của mình không. Thấy một bóng điện bị nổ, rồi cầu dao tự động ngắt, vậy thì bật cầu dao lên, thế là xong. Còn nếu vẫn không tìm được nguyên nhân, họ sẽ sang nhà hàng xóm, xem xét, thấy các nhà hàng xóm có điện, thì lập tức về gọi thợ đến sửa. Còn các nhà hàng xóm cũng cúp, thì cả khu bị ngắt, yên tâm đợi.
Còn sống với người không có năng lực, cúp điện, thụ động chờ. Tới tối thấy hàng xóm điện sáng trưng, mới biết là chỉ có nhà mình bị hỏng. Tối rồi gọi chẳng thợ nào đến, đành chịu thêm 1 đêm âm u nữa. Đồ ăn trong tủ lạnh hôi thối, do cúp điện nên có thể không bơm nước lên bồn, mất luôn nước. Sống vất vả, rồi sinh ra cáu kỉnh, bực bội.
KHÔNG PHẢI ĐI HỌC NHIỀU MÀ CÓ NĂNG LỰC, VÌ HỌC NHIỀU Ở TRƯỜNG THÌ CHỈ CÓ KIẾN THỨC. KIẾN THỨC CHỈ LÀ 1 PHẦN NHỎ TRONG NĂNG LỰC MÀ THÔI.
Người có năng lực có đặc trưng cá nhân là sạch, thơm, luôn quan sát nên chỗ ăn chỗ ở chỗ ngủ của họ rất sạch, rất đẹp. Ai siêng năng mới sạch sẽ thơm tho được. Lúc nghèo thì họ tự tay làm, lúc giàu thì sai khiến gia nhân gia nô, nhưng phải có ÓC QUAN SÁT và ÓC TỔ CHỨC mới biết mà sai khiến người khác. Một đám gia nhân gia nô ngồi quẹt điện thoại mà chấp nhận được thì muôn đời không bao giờ lên được vị trí ông bà chủ.
Vào một công ty, nhà máy, nhà hàng, quán cà phê… cứ tới xem toilet là biết trình độ của người quản lý. Toilet bẩn thỉu, hôi thối, rác không dọn, vòi nước hỏng, bóng điện 3 bóng cháy 2 bóng… thì chớ có làm ăn cùng. Người quản lý ở đó rất ẩu, hoặc rất non, hoặc rất lười, làm với họ sẽ có nhiều sự cố, sẽ rất mệt mỏi.
Tương tự nếu tới nhà hàng quán ăn quán nước khách sạn, mình cứ vô nhà vệ sinh mà xem. Nếu toilet mà bẩn, lộn xộn thì khu nhà bếp của họ cũng chắc chắn như vậy (bếp chế biến họ ít khi cho chúng ta thấy), chúng ta nên bỏ đi, không nên ăn uống ở đó, rất nguy hiểm.
Cũng bán cà phê, nhưng có một hệ thống quán nước mới mở cách đây vài năm, giờ luôn đông nghịt. Kiến trúc đẹp, sạch sẽ, thơm tho. Nhân viên lúc không có khách là mỗi đứa 1 bao găng tay, cầm cái bình đu lau các cửa kính, ngoài nhìn vào luôn sáng choang. Toilet cũng được nhân viên kiểm tra liên tục, nên lúc nào chỗ nào cũng khô ráo, kể cả cái tay cầm chỗ cửa (không có ướt nhẹp do người ta rửa tay xong mở cửa ra). Dù anh này thiết kế một hệ thống quán y chang vậy trước đây, nhưng khi anh rời đi thì những người còn lại quản lý không được, rồi đóng cửa dần. Lý do ở đây là gì vậy?
Cũng bán điện thoại di động chứ không có gì khác, có 1 hệ thống nó làm ăn tốt quá tốt. Ai có nhu cầu mua điện thoại cũng đến đó, thay vì 3-4 hệ thống điện máy lớn khác, và hàng ngàn cửa hàng bán điện thoại trên phố lẫn bán online. Từ người giữ xe đã đặt tay lên trái tim khi chào mình, đến nhân viên mở cửa, thu ngân, tư vấn… đều đặt tay lên tim, làm bằng cả tâm huyết.
Mình vào đó giao dịch sẽ thấy một văn hoá rất tốt được lan toả từ người quản lý, sẽ thấy được sự huấn luyện kỹ càng. Năng lực quản lý là cái mọi doanh nghiệp cần. Mà muốn có năng lực quản lý, thì bắt đầu phải từ năng lực cá nhân. Lý Quang Diệu nói, đại khái có ý là “mỗi quốc gia lớn hay nhỏ không phải là lãnh thổ, mà là sở hữu nhiều cá nhân có năng lực, có tư chất, xong đào tạo họ để họ làm quản lý. Ở quy mô doanh nghiệp, chớ dụng người bất tài, đặt sai vị trí, nhất là vị trí quản lý, họ sẽ làm công ty phá sản hoặc dậm chân tại chỗ, không lớn mạnh được”.
Đơn giản như học ngoại ngữ, đứa tầm thường sẽ chờ thầy dạy 10 chữ, ngồi học hết 10 chữ đó, nhớ được 5 chữ, 5 chữ quên, phải học lại. Người có năng lực họ học 1 chữ, suy ra 10 chữ. Ví dụ thầy dạy “Let’s go to school”, hãy đến trường. Họ sẽ tự ráp vô các từ khác như “market, cinema, office, factory,….” để thay thế chữ “School”, và từ đó họ chỉ 1 câu thầy dạy là hãy đến trường, họ tự học được “hãy đi chợ, hãy đi coi phim,….”.
Họ học gì cũng rất nhanh, vì có khả năng tự học cao. Vô bất cứ ngành nghề gì, khả năng tự học và sáng tạo cũng giúp họ nhanh chóng nắm rõ bản chất của sự việc và làm tốt, luôn có sự thay đổi, khác biệt ngày qua ngày. Một năm tới thăm, sẽ thấy quy mô tăng lên, tốt lên chứ hem có “vũ như cẩn”. Các bạn đọc lại bài “một đời xớ rớ” để hiểu rõ cái này. Người có năng lực hầu như không thể dốt vì khả năng tự học này, dù có thể không có bằng cấp.
Người năng lực biết đời người là hữu hạn, nên những gì không liên quan đến việc họ làm, đến hiệu quả công việc, họ lập tức bỏ qua. Không lằng nhằng dây dưa vô các sự việc phức tạp, tốn thời gian, nhất là tình cảm, cảm xúc của mình và người khác. Vì cái đó là nhất thời, mình để tâm quá nhiều sẽ tốn thời gian cuộc đời mình.
Họ không đọc, nghe, bàn bạc… các thông tin vô bổ (còn thế nào là vô bổ thì tuỳ mức độ khôn/ngu của mỗi người). Họ cũng không tập trung phân tích nguyên nhân của cái sai, cái thất bại mà rút bài học rồi nhanh chóng làm lại cái mới.
Cái này nói dễ, nhưng làm cực khó. Vì con người bản chất là phòng thủ, nên thường nhìn cái mặt xấu để đề phòng. Nhưng với người có năng lực, họ xem mọi thứ đều là cơ hội.
Cái này cực khó. Ai càng lớn tuổi, càng kiếm được tiền, càng sống gần người làm ăn lớn, trí tuệ lớn, nhân cách lớn, hoặc bản thân họ phải nghĩ thật lớn… thì mới có được tư duy này. Còn không là tiểu nông, tiểu thương, tiểu công nghiệp, tiểu đệ, tiểu nhị, tiểu quốc, tiểu bang, tiểu tư duy…
Người có năng lực vì tư duy vượt trội và khác biệt, nên luôn có một tỷ lệ người không ưa. Nhất là người theo tư duy xơ cứng lối mòn đám đông (stereotype), người bảo thủ, người nghĩ nhỏ, người tham sân si, người đố kỵ, người tiêu cực… Nên mình có năng lực, phải vui vẻ chấp nhận là đời sẽ có người ghét.
(Sưu tầm)