Hơn 2000 năm trước, Khổng Tử (551-479 TCN) đã nói: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”, tư tưởng này thể hiện tinh thần chú trọng học tập từ trải nghiệm và việc làm.
Cùng thời gian đó, ở phương Tây, nhà triết học Hy Lạp Socrates (470-399 TCN) cũng nêu lên quan điểm: “Người ta phải học bằng cách làm một việc gì đó; Với những điều bạn nghĩ là mình biết, bạn sẽ thấy không chắc chắn cho đến khi làm nó”.
Đây được coi là những nguồn gốc tư tưởng đầu tiên của “Giáo dục trải nghiệm”.
“Giáo dục trải nghiệm” được thực sự đưa vào giáo dục hiện đại từ những năm đầu của thế kỷ 20. Tại Mỹ, năm 1902, “Câu lạc bộ trồng ngô” đầu tiên dành cho trẻ em được thành lập. CLB có mục đích dạy các học sinh thực hành trồng ngô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp thông qua các công việc nhà nông thực tế.
Hơn 100 năm sau, hệ thống các CLB này trở thành hoạt động cốt lõi của tổ chức 4-H, tổ chức phát triển thanh thiếu niên lớn nhất của Mỹ, tiên phong trong ứng dụng học tập qua lao động, trải nghiệm.
Tại Anh, năm 1907, một Trung tướng trong quân đội Anh đã tổ chức một cuộc cắm trại hướng đạo đầu tiên. Hoạt động này sau phát triển thành phong trào Hướng đạo sinh rộng khắp toàn cầu. Hướng đạo là một loại hình “Giáo dục trải nghiệm”, chú ý đặc biệt vào các hoạt động thực hành ngoài trời, bao gồm: cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, kỹ năng sinh tồn, lửa trại, các trò chơi tập thể và các môn thể thao.
Cho đến năm 1977, với sự thành lập của “Hiệp hội Giáo dục trải nghiệm” (Association for Experiential Education – AEE), “Giáo dục trải nghiệm” đã chính thức được thừa nhận bằng văn bản và được tuyên bố rộng rãi.
“Giáo dục trải nghiệm” bước thêm một bước tiến mạnh mẽ hơn khi vào năm 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững, chương trình “Dạy và học vì một tương lai bền vững” đã được UNESCO thông qua, trong đó có học phần quan trọng về “Giáo dục trải nghiệm” được giới thiệu, phổ biến và phát triển sâu rộng.
Ngày nay, “Giáo dục trải nghiệm” đang tiếp tục phát triển và hình thành mạng lưới rộng lớn những cá nhân, tổ chức giáo dục, trường học trên toàn thế giới ứng dụng. UNESCO cũng nhìn nhận Giáo dục trải nghiệm như là một triển vọng tươi lai tươi sáng cho giáo dục toàn cầu trong các thập kỷ tới.
Định nghĩa của Hiệp hội Giáo dục trải nghiệm quốc tế: “Giáo dục trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kỹ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.”
Người dạy ở đây có thể là: giáo viên, tình nguyện viên, hướng dẫn viên, huấn luyện viên, bác sỹ tâm lý… Nó nói lên tính đơn giản, đa dạng, phổ biến và ứng dụng của “Giáo dục trải nghiệm”.
“Giáo dục trải nghiệm” cũng có cơ sở lý thuyết dựa trên một nghiên cứu (Edgar Dale 1946) chỉ ra rằng:
Các đặc điểm nổi bật của “Giáo dục trải nghiệm”:
– Quá trình học qua trải nghiệm diễn ra khi trải nghiệm được lựa chọn kỹ càng và sau khi thực hiện được tổng kết bởi quá trình chia sẻ, phân tích, tổng quát hoá và áp dụng.
– Người học được sử dụng toàn diện: trí tuệ, cảm xúc, thể chất, kỹ năng và các quan hệ xã hội trong quá trình tham gia.
– Trải nghiệm được thiết kế để yêu cầu người học phải sáng tạo, tự chủ, tự ra quyết định và thỏa mãn với kết quả đạt được.
– Qua “Giáo dục trải nghiệm”, người học được tham gia tích cực vào việc: đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề, tự chịu trách nhiệm
– Kết quả của trải nghiệm không quan trọng bằng quá trình thực hiện và những điều học được từ trải nghiệm đó.
– Kết quả đạt được là của cá nhân, tạo cơ sở nền tảng cho việc học và trải nghiệm của cá nhân đó trong tương lai.
– Các mối quan hệ được hình thành và hoàn thiện: người học với bản thân mình, người học với những người khác, và người học với thế giới xung quanh.
Phương pháp “Học tập qua trải nghiệm” được thừa nhận là phương pháp cốt lõi của “Giáo dục trải nghiệm”. Chi tiết về phương pháp được giới thiệu dưới đây.
“Học tập qua trải nghiệm” xảy ra khi một người sau khi tham gia trải nghiệm nhìn lại và đánh giá, xác định cái gì là hữu ích hoặc quan trọng cần nhớ, và sử dụng những điều này để thực hiện các hoạt động khác trong tương lai. (John Dewey – 1938)
Phương pháp “Học tập qua trải nghiệm” thể hiện theo mô hình 5 bước khép kín như dưới đây:
Sự khác biệt của phương pháp “Học tập qua trải nghiệm” với việc đơn giản chỉ học từ việc làm hàng ngày đó là các bước đúc kết sau quá trình trải nghiệm. Mỗi bước bao gồm các câu hỏi mở được đưa ra để học sinh trả lời, khiến học sinh phải thực sự động não, từ đó tự rút ra bài học cho bản thân. Đây cũng là lúc để đánh giá lại quá trình trải nghiệm của người học. Các câu hỏi rất đa dạng tùy theo từng hoạt động cụ thể. Phương pháp và các bước có thể áp dụng với tất cả các chủ đề, lĩnh vực, tùy theo định hướng của người thiết kế.
*Phương pháp giáo dục mô phạm (Didactics Education): là một phương pháp dạy học tuân theo các trình tự dạy khoa học, chính xác, các kiến thức đã được tổng hợp sẵn và được kiểm nghiệm là hoàn toàn đúng đắn. Người dạy chủ yếu là truyền thụ các kiến thức này đến cho học sinh, có thể bằng nhiều cách thức khác nhau (đọc chép, nghe nhìn, trình chiếu, minh họa…).
– Phương pháp khiến người học sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi…) có thể tăng khả năng lưu giữ những điều đã học được lâu hơn.
– Các cách thức dạy và học đa dạng của phương pháp có thể tối đa hóa khả năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng của người học.
– Người học được trải qua quá trình khám phá kiến thức và tìm giải pháp từ đó giúp phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin.
– Việc học trở nên thú vị hơn với người học và việc dạy trở nên thú vị hơn với người dạy.
– Khi học sinh được chủ động tham gia tích cực vào quá trình học, các em sẽ có hứng thú và chú ý hơn đến những điều học được và ít gặp vấn đề về tuân thủ kỷ luật.
– Học sinh có thể học các kỹ năng sống mà được sử dụng lặp đi lặp lại qua các bài tập, hoạt động, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng đó vào thực tế.
(Nguồn: tham khảo tài liệu từ Trung tâm Hỗ trợ giáo dục Thanh thiếu niên Việt Nam)